Chủ tịch UBND Tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa vừa ký Quyết định số 861/QĐ-UBND-HC ngày 5/8/2022 ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp.
Đề án nêu rõ quan điểm Chuyển đổi số là một trong các giải pháp quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng, làm thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân, là con đường ngắn nhất để tỉnh phát triển nhanh, ngày càng hiện đại, giàu mạnh.
Theo đó, tầm nhìn đến năm 2030, ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong các công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, phương thức sống, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy tiềm năng về văn hóa, con người, kinh tế – xã hội địa phương hướng đến phát triển Đồng Tháp thịnh vượng, ổn định và bền vững. Đến năm 2025, Đồng Tháp nằm trong top 25 và đến năm 2030, Đồng Tháp nằm trong top 20 tỉnh, thành có chỉ số chuyển đối số tốt nhất của cả nước.
Cụ thể, về chính quyền số: Đến năm 2030, trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 100% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở, dưới định dạng máy có khả năng đọc; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký chuyên dùng, trừ văn bản theo quy định của pháp luật. Trên 90 hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80 hồ sơ công việc cấp huyện và 60 hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…
Về kinh tế số: Trên 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; khoảng 70% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến; trên 80% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung – cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 80%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm trên 90%; trên 95% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử …
Về xã hội số: Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt trên 95%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%; 100% hộ gia đình có nhu cầu đều được kết nối internet băng rộng bằng cáp quang hoặc mạng di động 5G; trên 85% dân số có kỹ năng số cơ bản; 100% hộ gia đình có địa chỉ Vpostcode; 100% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở; 100% dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ ưu tiên phân bổ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho chuyển đổi số, chú trọng các nhiệm vụ có kinh phí đối ứng của doanh nghiệp và các công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số theo Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 20/11/2020 của UBND Tỉnh về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025; Tham mưu sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính trong nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ gắn với tăng cường thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Kết nối và phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, doanh nghiệp có quy mô lớn, chuyên sâu về công nghệ thông tin trên địa bàn trong tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến, giải pháp về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.
Trúc Ly
Quyế định 861/QĐ-UBND-HC >>Tải về
Đóng góp ý kiến