Cam sành không hạt được tạo nhờ ứng dụng tia gamma. Ảnh: Thu Hằng
Đây là kết quả đề tài “Nghiên cứu tạo giống cam sành không hạt bằng xử lý chiếu xạ tia gamma trên mầm ngủ”.
TS Trần Thị Oanh Yến – Trưởng bộ môn chọn tạo giống, Viện Cây ăn quả miền Nam – cho biết, số hạt trong một quả cam là một trong những yếu tố hạn chế tiêu thụ cam, quýt tươi ở cả thị trường trong và ngoài nước. Do đó, trong việc chọn tạo giống cây có múi ở Việt Nam cũng như trên thế giới, mục tiêu chính là chọn được giống không hạt, đẹp, ngon, chống được sâu, bệnh hại nguy hiểm.
“Tại Viện Cây ăn quả miền Nam, bằng cách tuyển chọn cá thể, chương trình chọn tạo giống cây có múi không hạt đã chọn thành công một giống cam mật không hạt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; một dòng bưởi da xanh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre công nhận là cây đầu dòng và nay là giống cam sành không hạt, đẹp, ngon được chọn tạo từ cây cam sành thương phẩm trồng trong tự nhiên” – TS Yến nói.
Để tạo được giống cam này, nhóm nghiên cứu đã thu nhận cành cam từ giống cam sành dòng CS8, cắt bỏ lá, rửa sạch, bao lại bằng giấy giữ ẩm, đặt vào túi nylon, giữ ở nhiệt độ 4-80C một đêm rồi mang đi chiếu xạ.
Mầm ngủ đã chiếu xạ được giữ trong tủ lạnh 4-80C một đêm rồi ghép trên gốc ghép Volkameriana 8-10 tháng tuổi trong nhà lưới. Khi mầm ngủ nảy mầm và cây cao 50-60cm (khoảng 6 tháng sau) thì đem trồng. Ở tất cả các cây khảo nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thu được cam có số hạt thấp (dưới 2 hạt mỗi quả). Thịt quả màu vàng cam, sáng đẹp, vỏ hơi nhẵn và bóng hơn cam sành đối chứng, vị ngọt chua giống như cam sành thương phẩm.
Từ thành công này, Viện Cây ăn quả miền Nam kiến nghị nên ứng dụng tia gamma trong xử lý chiếu xạ tạo dòng đột biến cải thiện số lượng hạt/quả, chất lượng quả hay màu sắc thịt, vỏ quả… trên các giống cây có múi và các chủng loại cây ăn quả khác.
Khoa học và Phát triển
Đóng góp ý kiến