
Trong đội ngũ giáo viên của Trường tiểu học Bình Thạnh 1, thầy giáo Đặng Văn Mãi (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) không chỉ là người thầy giáo dạy môn tiếng Anh giỏi của trường, mà thầy còn là người đam mê sáng tạo những sản phẩm thiết thực trong cuộc sống. Song song đó, thầy cũng là người tiên phong trong phát triển những sản phẩm từ nguồn nông sản của địa phương.
Nặng lòng với Câu lạc bộ
Những năm gần đây, phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Tháp thu hút nhiều học sinh từ tiểu học đến Trung học cơ sở tham gia. Nhận thấy được ý nghĩa từ phong trào này, thầy giáo Đặng Văn Mãi đã tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường thành lập Câu lạc bộ Khoa học tại trường. Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, thầy đã giúp nhiều em học sinh phát huy được khả năng sáng tạo của mình. Trong Câu lạc bộ, thầy không chỉ hướng dẫn các em làm ra những sản phẩm từ ý tưởng của chính các em, mà Câu lạc bộ còn là một sân chơi, một nơi để các em phát huy kỹ năng sống của mình, nhiều em học sinh sau khi tham gia Câu lạc bộ đã tự tin, dạn dĩ hơn.
Hình ảnh thầy Đặng Văn Mãi sinh hoạt tại Câu lạc bộ
Hoạt động của Câu lạc bộ còn nhiều khó khăn, mượn văn phòng làm nơi sinh hoạt, kinh phí thì không có, vì đam mê nghiên cứu thầy sẵn sàng lấy tiền lương cùng với mạnh thường quân để cho Câu lạc bộ hoạt động. Khi các em học sinh làm quen với việc tìm ra ý tưởng và bắt tay vào sáng tạo ý tưởng, nhà trường đã mạnh dạn đăng ký cho các em tham gia cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu nhiên nhi đồng cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2014, ý tưởng “Căn nhà di động” của học sinh trong Câu lạc bộ đã đoạt giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu nhiên nhi đồng tỉnh Đồng Tháp; Năm 2018, mô hình “Bàn ép chuối” của Câu lạc bộ đoạt giải B cấp huyện và được hội thi sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Đồng Tháp; Năm 2019, các em lại đoạt giải khuyến khích vòng huyện với mô hình “Máy xắt lá chanh”. Đặc biệt, “Hệ thống phòng dịch di động” và “Hệ thống chiết xuất tinh dầu thực vật” là hai mô hình, sản phẩm được Huyện chọn để tham dự cuộc thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Đồng Tháp năm 2020. Những sản phẩm của Câu lạc bộ cũng được chính quyền, các cơ sở quan tâm, như “Hệ thống phòng dịch di động” được UBND xã Bình Thạnh lắp tại Ủy ban, hay mô hình “Chiết xuất tinh dầu thực vật” giúp cho những người nông dân trồng chanh, xoài trên cồn Bình Thạnh được nâng cao giá trị sản phẩm…
Đam mê sáng tạo, phát triển nông sản của địa phương
Xuất phát từ niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, muốn giúp người dân xã Bình Thạnh giảm được chi phí trong chăn nuôi thủy sản. Với suy nghĩ đó, thầy đã bỏ ra một thời gian dài sau những giờ đứng lớp, chế tạo ra chiếc máy cho cá ăn tự động.
Với thiết kế nhỏ gọn và dễ di chuyển, máy cho cá ăn tự hành được kết nối với hệ thống bồn chứa thức ăn và được kết nối với máy thông qua hệ thống ống dẫn. Điểm cộng của chiếc máy là hệ thống cân tự động thông minh cho phép người nuôi có thể điều chỉnh lượng thức ăn, số phút cho mỗi phần phun và số lần cho ăn trên 1 ngày. Điều này giúp quá trình nuôi thuận tiện, đơn giản và không phải tốn nhiều công lao động để thực hiện như trước đây. Với bán kính khoảng 13 mét, thức ăn có thể đưa đến được đến 2/3 mặt ao, giúp cá có thể có đầy đủ thức ăn trong điều kiện mặt số thả nuôi dầy như nuôi cá giống, cá điêu hồng, cá tra,…
Hình ảnh thầy Đặng Văn Mãi trao đổi cùng Phó Giám đốc Sở Khoa học
và Công nghệ Tỉnh về chiếc máy phun thức ăn cho cá
Không dừng lại ở đây, thầy còn ấp ủ nhiều ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo cho ngành thủy sản, các máy cho sản xuất nông nghiệp và cây ăn trái… Hơn một năm nay, chiếc máy cho cá ăn của thầy chưa bán ra thị trường do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid 19 và giá cá liên tục giảm. Chính lúc này, thầy lại tiếp tục nghiên cứu thêm dòng sản phẩm mới, với hy vọng có thêm thu nhập cho mình và người dân của địa phương. Điển hình như sản phẩm bột chanh đã ghi nhận được nhiều dấu ấn với khách hàng tại Lễ hội Xoài của Tỉnh năm 2022.
Hình ảnh thầy Đặng Văn Mãi với sản phẩm bột chanh
“Nhận thấy nhà vườn đã vất vả, mà nông sản lại khó tiêu thụ, nhiều lúc nông dân bỏ vườn, đổ nông sản ra sông, làm ảnh hưởng đến môi trường. Thấy vậy, nên tôi mới đi mua chanh về, mà làm xong rồi bỏ lên sấy, cứ thất bại tiếp nối nhau, kinh phí lên cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, tôi chưa từng nghĩ phải bỏ cuộc, một lần có đứa học sinh về quê thăm, và hướng dẫn tôi công nghệ sấy bột chanh” thầy Đặng Văn Mãi chia sẻ.
Với những cố gắng, nỗ lực của những em học sinh và những người thầy, người cô trong Câu lạc bộ, giúp cho các em nuôi dưỡng ý tưởng, tự tin hơn trong cuộc sống, biết làm việc tập thể… Riêng chiếc máy cho cá ăn tự động của thầy giáo Đặng Văn Mãi đoạt giải nhất trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, vòng chung kết Hội thi Dự án khởi nghiệp do VCCI Cần Thơ tổ chức; Thầy cũng nhận được hỗ trợ hoạt động sáng tạo không chuyên đối với dự án Máy cho cá ăn tự động theo Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 của UBND Tỉnh và chờ cấp bằng sáng chế từ Cục Sở hữu trí tuệ; đồng thời, năm 2021, thầy được CT.UBND Tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”./.
Trúc Ly
Đóng góp ý kiến