Gặp gỡ những nhà sáng chế không chuyên

Từ thực tiễn sản xuất, nhiều người nông dân ở Đồng Tháp, chưa từng qua một lớp đào tạo về cơ khí chế tạo, từ thực tế cuộc sống, niềm đam mê sáng tạo, nhưng họ đã nghiên cứu và sáng chế ra các sản phẩm máy móc ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả. Đó có thể kể đến chiếc máy phun thức ăn cho cá của thầy giáo tiểu học Đặng Văn Mãi, chiếc máy xới bánh xích của nông dân Nguyễn Văn Thắm, dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động của nông dân Nguyễn Thanh Tú, hệ thống điều khiển tưới vườn thông minh của nông dân Ngô Hùng Thắng…


Hệ thống điều khiển tưới vườn thông minh – Nông dân Ngô Hùng Thắng (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò).

Xuất phát từ ý tưởng muốn giúp đỡ người nông dân giảm bớt chi phí lao động, chủ động trong việc chăm sóc, theo dõi vườn cây. Sau 3 năm nghiên cứu, sửa chữa và nâng cấp sản phẩm, anh Ngô Hùng Thắng, kỹ sư tay ngang đã cho ra đời hệ thống điều khiển tưới vườn thông minh.
Hệ thống này được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và tích hợp nhiều tính năng, giống như một con robot. Khác với những hệ thống tưới tự động trên thị trường, hệ thống của anh Thắng tự động ghi nhận độ ẩm, thực hiện bơm nước tưới khi đất khô và dừng khi đất có đủ độ ẩm, khi hệ thống đang tưới nếu trời mưa sẽ dừng hoạt động. Trường hợp không muốn hệ thống tưới tự động, người dân có thể điều khiển tưới theo các chế độ tưới sương, chọn lếp tưới, vô hiệu hóa các lếp không cần tưới, tưới ban ngày hoặc chọn tưới ban đêm. Và tất cả các hoạt động tưới đều được ứng dụng trên điện thoại qua một lần cài đặt duy nhất.
Ngoài ra, hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn của anh Thắng còn có chế độ bù nước khi mực nước dưới sông thấp, tự động bơm nước từ trong vườn ra sông vào mùa lũ, trời mưa to kéo dài. Bên cạnh đó, hệ thống này còn có thể cảnh báo mực nước dưới ao, sông (nơi cung cấp nước) thấp, động cơ sắp hư hỏng, bị rò điện, có chế độ chống trộm (khi có kẻ trộm hệ thống bật còi, đèn và thông báo vụ việc đến người dân thông qua ứng dụng trên điện thoại)…
Tháng 10 năm 2019 anh Ngô Hùng Thắng đã vinh dự là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”.
Chiếc máy xới bánh xích – Nông dân Nguyễn Văn Thắm (xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh)

Chưa từng học qua ngành kỹ sư, thế mà anh Nguyễn Văn Thắm, ấp 2, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh lại chế tạo thành công chiếc máy xới bánh xích, phục vụ 3 mùa, hạn chế tối đa tình trạng lầy lún mà những chiếc máy cày cỡ lớn hay gặp.
Xuất thân từ một người thợ cơ khí chuyên sửa chữa máy cày, bản thân anh cũng là người chủ máy cày đi làm đất, bao lần máy của anh bị mắc lầy trên cánh đồng lớn, làm mất thời gian cho chủ đất, thấy khó khăn trước mắt, với sự đam mê tìm tòi của người thợ cơ khí chân đất, vậy là chiếc máy xới bánh xích đã ra đời sau những đêm anh thức trắng bên từng trang giấy và ốc, vích,…
Chiếc máy xới bánh xích gồm một động cơ máy, phía dưới là bánh xích, sau cùng là giàn xới, máy chạy bằng hệ thống số thể lực. Ước tính mỗi ngày máy có thể cày xới khoảng 9 – 10 công đất, chỉ cần một nhân công. Đặc điểm của máy là xới nhanh, hiệu quả cao trên những vùng đất lún, ngập nước, tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu so với máy cày. Nông dân ở trong xã Phương Thịnh đều hài lòng về hiệu quả hoạt động của máy xới bánh xích.
Chiếc máy phun thức ăn cho cá – thầy giáo Đặng Văn Mãi (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh)

Xuất phát từ niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, muốn giúp người dân xã Bình Thạnh giảm được chi phí trong chăn nuôi thủy sản. Với suy nghĩ đó, thầy đã bỏ ra một thời gian dài sau những giờ đứng lớp, chế tạo ra chiếc máy phun thức ăn cho cá. Chiếc máy phun thức ăn cho cá từng đạt giải nhất trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Tỉnh, vòng chung kết Hội thi Dự án khởi nghiệp do VCCI Cần Thơ tổ chức và từng được trưng bày tại Chợ công nghệ – thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 (Techmart – Techfest Mekong 2019).
Máy được thiết kế đầy đủ gồm tấm pin năng lượng mặt trời, bộ chuyển đổi, bình tích điện, 3 van xả thức ăn, tủ điều khiển và hệ thống nén khí phun thức ăn. Với chiếc máy này, người nuôi cá có thể thiết lập lượng thức ăn cũng như thời gian phun phù hợp với đàn cá dưới ao, vừa tiết kiệm giá thức ăn, vừa rút ngắn thời gian nuôi. Tính năng vượt trội của chiếc máy này chính là hệ thống tự điều khiển và sử dụng năng lượng xanh.
Thầy Đặng Văn Mãi cho biết “Chiếc máy phun thức ăn cho cá ưu điểm tiết kiệm giá thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi”. Không dừng lại ở đây, thầy còn ấp ủ nhiều ý tưởng nghiên cứu, sáng tạo cho ngành thủy sản, các máy cho sản xuất nông nghiệp và cây ăn trái…
Dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động – Nông dân Nguyễn Thanh Tú (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự)

Bún gạo, bánh hỏi, bánh canh và bún khô, đó là những sản phẩm hiện có của cơ sở Tú Trinh ngụ tại ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Những sản phẩm được đóng gói kỹ càng, có tên nhãn hiệu cùng những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, khi ăn vẫn giữ được độ dai, không chua và thời gian bảo quản được lên cả tuần. Đó là những sản phẩm được làm nên từ dây chuyền sản xuất khép kín của chiếc máy làm bún. Người sáng chế chiếc máy chỉ là một nông dân học hết lớp 5 nhưng ông Bùi Thanh Tú (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Chiếc máy làm bánh hỏi gồm các phần: máy nén bột trên khuôn bằng thủy lực, thanh gạt tự động và hệ thống băng chuyền. Công suất của máy làm bánh hỏi tự động 200kg/ giờ và làm bún thì hàng ngày cơ sở có thể cung ứng cho thị trường hơn 2,4 tấn/ngày, cung cấp cho thị trường huyện Hồng Ngự, Thị xã Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), Tân Châu, Châu Đốc (An Giang), Campuchia. Khi sử dụng công nghệ dây chuyền khép kín “gạo vô một đầu, sản phẩm ra một đầu” công nhân chỉ làm ở khâu thành phẩm, vì thế ông tiết kiệm được nhân công, tăng năng suất sản phẩm.
Ông Bùi Thanh Tú nói: “Chiếc máy làm bún đầu tiên được cải tiến vào năm 2012 và sau đó chú tiếp tục nghiên cứu cải tiến từng khâu cho đến nay chiếc máy khép kín hoàn toàn, tự động tất cả các khâu, chỉ khâu thành phẩm mới có con người tác động, nhưng với chiếc máy này để giữ được nhãn hiệu bún tươi Tú Trinh còn ở bí quyết làm sao cho bún không có vị chua và có thể để được lâu hư”.
Độc đáo với sáng chế máy đắp bờ của anh Phạm Cao Cường (Tam Nông)
Ý tưởng máy đắp bờ trước đây đã được nông dân Nguyễn Văn Đế sáng chế, nhưng với chiếc máy đắp bờ của anh Phạm Cao Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông).
Qua quan sát, chiếc máy đắp bờ của anh Cường vận hành thông qua đầu máy kéo, phía sau là cốt quay hộp giảm tốc và bung xới lấy đất đắp bờ, nón lá chuyển động quay và đi sau dao xới để ép đất do dao xới đi trước đào và đắp thành bờ, giúp bờ được đắp dẻ và láng, nhìn hai bên bờ được đắp thẳng tắp, vững chắc và rất đẹp mắt. Bờ ruộng được đắp có bề rộng 2 tấc rưỡi, cao 3 tấc.
Theo anh Phạm Cao Cường cho biết, chiếc máy đắp bờ không chỉ năng suất cao, giá thành rẻ hơn so với đắp bờ bằng tay, máy đắp bờ ruộng còn có nhiều ưu điểm khác như: làm bờ thẳng, giữ nước tốt, có thể sau 2 – 3 mùa mới phải đắp bờ lại.
Với chiếc máy đắp bờ của anh Cường, giúp cho người dân ở Tam Nông nói riêng và Đồng Tháp nói chung giảm bớt được chi phí và sức lao động trong quá trình sản xuất.
Đó là những câu chuyện sáng tạo của anh Thắng, anh Thắm, chú Tú, thầy Mãi, và câu chuyện sáng tạo của nông dân Đồng Tháp sẽ còn được viết tiếp. Bởi với một nghị lực vượt lên trong cuộc sống, bản lĩnh, trí tuệ và niềm đam mê, những người con của đất sen hồng mãi là tấm gương tiêu biểu điển hình. Thật đáng tự hào và trân trọng chiếc máy cuộn rơm của nông dân Phan Tấn Bện, máy hút thổi nguyên liệu rời của nông dân Đỗ Thành Đô, máy đắp bờ một bên của nông dân Nguyễn Văn Đế, máy xới bánh xích của nông dân Nguyễn Văn Thắm, chiếc máy phun thức ăn của thầy Đặng Văn Mãi, hệ thống điều khiển tưới vườn thông minh của anh Ngô Hùng Thắng… góp phần không nhỏ vào sự phát triển nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản ở Đồng Tháp, giúp cho người nông dân đỡ cơ cực hơn, đem lại hiệu quả canh tác cao hơn./.

Trúc Ly

Ý kiến phản hồi của bạn đọc

Đóng góp ý kiến

Email của bạn sẽ không được công khai.


*